Tìm thấy 1 nơi bán khác, giá từ 170.000₫ - 170.000₫
Có những câu chuyện cũ, không có gì độc đáo nhưng ta muốn giữ cho riêng mình. Một ngày, ta ghi lại kỷ niệm ấy trên trang giấy, rồi được nếm trải cảm giác sung sướng khi bài viết nên hình nên dạng, được đăng trên sách, báo…
Viết về ký ức phải chăng chỉ là sự trốn chạy thực tại? Tôi không nghĩ mọi chuyện đơn giản như vậy. Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, những gì đã tác động đến mình để trở thành một con người đủ cả những điều hay và dở, những điều mạnh mẽ lẫn yếu đuối trong tính cách không dứt bỏ được. Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương, vì sao gắn bó với xóm giềng, cây cỏ, thời tiết, khí hậu chung quanh khi tất cả đã dần biến dạng, và vì sao, luôn cố gắng truyền cho con một điều gì đó của quá khứ, dù các con thật ra đang sống để hình thành một quá khứ cho tương lai của các con. Đó là mật mã để gắn kết các thế hệ mà nhiều khi mong muốn truyền đi như một thứ bản năng có sẵn. Có lẽ đó là lý do các cụ già thích kể chuyện xưa.
Dù sao, thời thơ ấu là thời gian đẹp nhất đời người, cho nên viết về tuổi thơ là niềm vui thực sự. Bằng bàn phím tôi du hành ngược thời gian, để được lần nữa nếm miếng bánh tráng kẹo mạch nha ngọt lịm của ngày xưa, hút nhụy hoa trong cuống bông bụp trồng bên hàng rào, nhai lại hạt điệp vàng thơm bùi và đăng đắ Đó là những khoái cảm đơn sơ nhưng nhớ lâu.
Kỷ niệm càng đào xới, càng khai thác lại càng đầy và lộ ra những điều từng quen thuộc nhưng lạ lùng như mới gặp lần đầu. Đó là vẻ hấp dẫn khi được đào bới kho tàng ký ức…
(Vẻ hấp dẫn của ký ức)
Đó là một năm xa xưa, khi Sài Gòn còn ngây thơ và Phú Nhuận vẫn còn là một cái xã êm ả đầy hoa lá xôn xao, với những ngôi nhà ngói xen lẫn những mái tôn nghèo nằm dưới ánh nắng miền Nam, mỗi ngày lắng tiếng chuông chùa Kỳ Quang, tiếng chuông nhà thờ Nam và tiếng trống hát bội sân đình Phú Nhuận vọng đến từ đường Lê Tự Tài dịp Tết…
(Tân Sửu 1961)
Không bao giờ có thể ăn lại những món ăn gia đình thời bao cấp nữa. Ấn tượng về chúng là sự chế biến linh hoạt của những người phụ nữ trong nhà, với mớ lương thực được phân phối dè sản. Đó là món bánh mì hấp đơn sơ, hấp trong nồi cơm, lấy ra quết miếng mỡ hành, cuộn rau sống và chấm nước mắm pha, không hề có miếng thịt, bì xào nào cả… là món “mì riêu”, thực chất là món bún riêu nhưng thay bún bằng mì sợi, vì không đào đâu ra bún khi gạo lúc đó rất hiếm. Là món bánh khoai mì, hay món bánh cay, làm từ mớ khoai mì được phân phối hằng tháng. Những món ăn của một thời không muốn quay trở lại, nhưng đậm đà tình thương tần tảo và chính xác là rất ngon thời ấy…
(Ăn và Tình)
Tôi sẽ nhớ những buổi sáng mùa xuân của năm mười tám tuổi, khi nóc nhà còn lợp bằng tôn chưa xây lên cao. Tôi nằm trên đó, nhìn mây trời có những cánh chim bay qua, thấy nỗi rạo rực của lòng trai mới lớn đang nghĩ ngợi rất nhiều và tình yêu, về hạnh phúc và cả về danh vọng phù phiếm… Những đêm mùa hè khác, tôi ngủ trước hàng ba trong một đêm oi bức, nghe đủ âm thanh lao xao của thiên nhiên nhiệt đới do cơn gió mang đến. Có đêm, tôi thức giấc khi trăng chiếu vào mái hiên nhà rất sáng, chiếu lên cành lá cây táo gai và đám chậu cây kiến cò có bông trắng xếp thành một cụm vây quanh gốc táo…
(Hộp Kỷ niệm)
Những năm sau 1975, cuộc sống khó khăn khiến nhiều người ra đường bán lặt vặt kiếm sống… Người bán rong xuất hiện khá nhiều, mỗi ngày cả chục người vô xóm bán các loại bánh, nhuộm quần áo, bán chổi lông gà, hớt tóc dạo… Có người đi thu mua gọng kiếng, bút máy, cao cấp hơn là thu mua đồ gỗ xưa, bạc cắc xưa, đồng hồ xưa…
(Những ngưới đi qua phố)