Nơi bán đề xuất
Phật nói: “Tất cả chúng sinh ai cũng có tính Phật thì ai cũng sẽ thành Phật”.
Bồ Tát Giới nói: “Ông là Phật sẽ thành, tôi là Phật đã thành, thường khởi tin như thế, giới phẩm đầy đủ rồi…”
Theo Phật phải học Phật, học Phật có ba môn: “Giới, Ðịnh, Huệ”, giống như 3 chân cái đỉnh trầm, gãy một chân thành đồ vô dụng; người tam học thiếu một môn cũng là người vô dụng. Học đủ 3 môn áp dụng vào đời sống của mình và của người, gọi là thành Phật. Học Phật tới đích thâm truyền, chỉ cần hiểu suốt chính nghĩa một câu này, được đầy đủ 3 môn Giới, Ðịnh, Huệ: “Tất cả chúng sinh đều có tính Phật, ai cũng thành Phật”. Nếu ta áp dụng vào đời sống của ta và của muôn loài, ta có 4 thực hiện:
1) Ta thấy ta với mọi loài là bình đẳng.
2) Ta không dám xâm lăng áp bức sát hại một loài nào, dù là loài rất nhỏ mọn.
3) Ta giữ được định tâm bình đẳng đối với ta và đối với mọi loài.
4) Ta có tính Phật, mọi loài cũng có tính Phật, ta thành Phật, mọi loài cũng thành Phật.
Mắt thấy thế, tâm biết thế, là mắt Phật, tâm Phật đấy rồi, còn phải tìm đâu nữa. Một người thấy và biết như thế là người siêu phàm thoát tục, người xuất gia, xuất thế, người thành Bồ Tát, thành Phật. Khế Kinh gọi là “người chính biến tri”. Trái lại, kẻ nào không thấy, không biết như thế gọi là kẻ tà kiến, tà tri, là phàm phu si ám, là chúng sinh mê muội trong 7 Thú: Thiên, tiên, nhân, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.
Tính Phật là tính hiểu biết sáng suốt, không sai lầm một ly, tất cả muôn vật, muôn sự, muôn pháp trong vũ trụ vô biên. Tất cả chúng sinh trong 7 thú, ai cũng có tính Phật hiểu biết sáng suốt ấy, lẽ dĩ nhiên ai cũng là bình đẳng, ai cũng là Phật; lẽ dĩ nhiên không còn ai xâm lăng, áp bức, sát hại. Lẽ dĩ nhiên tai nạn chiến tranh phải tuyệt dứt, hạnh phúc, hòa bình phải trở lại. Và lẽ dĩ nhiên không còn có những thế giới và những căn thân của chúng sinh trong 7 thú nữa, chỉ còn một thế giới Cực Lạc với một loại thân vô lượng thọ, vô lượng quang (Amita) mà thôi.